My Blog

My WordPress Blog

VỀ ĐAN THƯỢNG

Xã Đan Thượng thuộc tổng Đan Thượng xưa là làng cổ nằm ở khu vực phía Bắc của huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Trước đây, tổng Đan Thượng có làng Đan Thượng, Đan Hà, Hậu Bổng, Đồng Lũng, Trà Thượng, Trà Hạ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xóa bỏ cấp tổng, các làng cổ chuyển thành xã, cũng có xã ghép như Đan Thượng, Đan Hà thành xã Minh Đức. Sau kháng chiến chống Pháp, Đan Hà thành Minh Sơn, nay là xã Đan Hà (chữ Hán là Đan Hạ nhưng quen gọi là Đan Hà). Còn Đan Thượng mãi đến tháng 11/1964 trở lại là xã Đan Thượng đến nay.

Mỗi khi có dịp trở về quê Đan Thượng trong tôi bao cảm xúc dâng trào. Những người thân quen, những gì lưu luyến, những kỷ niệm của quá khứ như hiện ra. Tất cả là ký ức sâu sắc một thời không thế nào quên. Đây cũng là những điều tâm huyết tôi muốn được chia sẻ cùng người thân và bà con quê hương.

Mừng Đảng mừng Xuân Ất Mùi (2015)

Về quê chia sẻ ngọt bùi hành hương

Năm mươi năm ấy dặm trường

Xôn xao kỷ niệm ngát hương tình đời.

Quê hương ngọt ngào, êm dịu. Cũng có thể có cả vị đắng, chát, nhưng ở đâu và bao giờ vị mặn mòi, thơm thảo vẫn làm ta xao xuyến, quyến rũ. Cái gắn kết con người với quê hương chính là “cội nguồn”, là “quê cha đất tổ”, là miền ký ức…Đó cũng là nơi mà dấu tích tâm linh khắc họa, chi phối tâm hồn mãi không thôi. Người ta nói tuổi già thường sống về ký ức. Với tôi:

Ký ức không vị không màu
Không tên không tuổi nặng sâu đáy lòng.

Ký ức đầu tiên cũng là chuyện đầu tiên muốn nói ngay là cái tên Đan Thượng. “Đan” là đỏ, có ý là đẹp, Quảng trường Đỏ Mát – xcơ – va cũng có nghĩa đẹp này. Có câu “Nhất phiến Đan tâm” ( một tấm lòng son) rất tuyệt. “Thượng” là trên, lên, là cao…Đan Thượng là đỏ – đẹp – cao. Hay lắm chứ. Các cụ ngày xưa chọn đất để ở, chọn chữ để đặt tên làng có lý chắc và ý sâu của nó. Ấy thế mà bao nhiêu lần thay đổi nay về đúng tên xưa quen dùng là rất phải! Tôi muốn dài dòng việc này vì có mấy tấm bằng treo tường nhưng xem phần quê quán thấy rối cả lên, có ai hỏi cứ phải giải thích. Tấm Huân chương Chiến công (tặng năm 1968) ghi là xã Minh Đức (cái tên mà ít người hiểu ý nghĩa gì); Tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, ghi là xã Đoan Thượng (nhầm với tên Ga xe lửa); tấm Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, lại ghi là xã Đan Phượng (nhầm với tên của một huyện ở Hà Tây nay thuộc Hà Nội). Bảo đi đổi (cảm thấy phiền hà) nên tôi chặc lưỡi: để vậy cho vui. Đó cũng là kỷ niệm, là ký ức lịch sử.

Tháng 8/1964 chia tay gia đình đi nhập ngũ, vì đi muộn, đến ga thì tàu đã chạy, tôi phải cuốc bộ về Ấm Thượng tập trung. Sau này chỉ có hai lần được về thăm nhà, về ga Đoan Thượng. Và đến mùa xuân Ất Mùi 2015 này mới có dịp đi tàu về quê với nhiều cảm xúc.

Nếu con đường sắt Hà Nội – Lào Cai tồn tại và mở rộng, do đó Ga Đoan Thượng sẽ còn tồn tại và phát triển thì nên đổi thành Ga Đan Thượng. Chữ “Đoan” như lạc vào đây, xa lạ như chữ Minh Đức trước đó, nên bỏ. Việc này trong tầm tay của Cục Đường sắt Việt Nam và địa phương đề nghị. Khi ở xa, lấy vé về Ga Đan Thượng là về đúng tên quê. Ai đi qua ga Đan Thượng là qua xã Đan Thượng. Hầu như các tên ga xe lửa thường trùng với tên địa danh ở nơi đó, thuận tiện biết bao, không chỉ riêng đối với người Đan Thượng.

Xã Đan Thượng, Chợ Đan Thượng, Ga Đan Thượng sẽ là một địa chỉ cùng một tên, một dấu ấn trong lòng mọi người mỗi khi qua đây và là một thương hiệu đẹp trong đổi mới và hội nhập.

Cháu gái tôi là Minh Anh (học lớp 3), có lần hỏi tôi rằng: Cháu sinh ra ở Hà Nội, sao trong lý lịch lại ghi quê quán là Phú Thọ? Tôi nói với cháu rằng: Đó là quy định của Nhà nước. Khi ghi quê quán của một người nào đó phải ghi theo quê quán của từ đời ông mình. Ông sinh ra lớn lên ở Đan Thượng thuộc Phú Thọ và là một người họ Hà thế hệ thứ 10 ở đất này. Vì thế đến lượt cháu cũng phải ghi quê quán như ông nội ở Phú Thọ.

Cháu lại hỏi: Quê cha đất tổ là gì? Trả lời: Ông nội là tổ của cháu, bố Toàn là cha của cháu; Vậy quê cha đất tổ là quê quán của ông nội và bố đẻ ra cháu. Nói rộng ra quê cha đất tổ là chỉ cội nguồn của mình, tổ tiên của mình, nơi có những người họ hàng thân thuộc với mình.

Cháu lại hỏi tiếp: Tổ tiên mình là ai hả ông? Trả lời: Tổ tiên của người Việt Nam nói chung là các vua Hùng như cháu đã biết. Còn tổ tiên của người họ Hà thì chưa rõ. Ông cùng các bạn bè của ông đang tìm hiểu. Riêng tổ tiên của người họ Hà ở Đan Thượng như theo gia phả có cụ Khởi tổ là Hà Viết Nghĩa (cách đây khoảng 300 năm). Cụ Nghĩa sinh ra các cụ Hà Viết Tể, Hà Đăng Tướng, Hà Duy Tề, Hà Công Vận. Đặc biệt có cụ Hà Viết Đạo (đời thứ 3) là con của cụ Hà Viết Tể được dân làng thờ phụng ở chùa Chén.Thông thường các cụ Tổ từ sáu đời trở lên gọi là “liệt tổ, liệt tông”. Cụ tổ rất xa gọi là “viễn tổ”. Minh Anh nhẩm nhắc lại tên các cụ tổ một cách rành rọt như cụ Nghĩa, cụ Đạo, hào hứng với các tên gọi của cụ là Tể, Tướng, Tề, Vận, rồi tâm đắc kêu lên: Tổ tiên mình ghê nhỉ!. Bỗng cháu đề nghị cho cháu về quê. Tôi hẹn rằng có dịp thuận lợi sẽ đưa cháu về Đan Thượng, nơi quê cha đất tổ như cháu mong ước.

Mộ cụ Hà Văn Dưỡng cùng người thân đã khuất ở Đan Thượng

Tôi thường kể chuyện về các cụ, các ông bà cho con cháu nghe, đặc biệt là ông nội tôi là Hà Văn Dưỡng, ở quê trước đây gọi là cụ Quản Phụng (cái giếng nước dưới chân gò trước nhà cả xóm dùng cũng được gọi là Giếng cụ Quản Phụng). Quản là “quản xã” một chức danh nhỏ, phải mua, không có thực quyền, nhưng có chỗ ngồi ở chốn Đình chung. Cụ không được học nhiều nhưng cũng biết cả nho, y, lý, số. Cụ học làm thuốc, bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thông thường phục vụ bà con trong vùng. Tuổi nhỏ của tôi (như tuổi các cháu bây giờ) không có thuốc Tây và ngay cả thuốc ta như hiện nay. Các thứ bệnh của tôi hầu như đều do ông nội xử lý cả. Độc chiêu của cụ là dùng ngải cứu đốt vào các huyệt đạo để trị căn bệnh. Tùy theo loại bệnh mà chọn các huyệt nào cũng như dùng số lượng, số lần ngải cứu cho phù hợp. Trên người tôi có rất nhiều vết sẹo từ các lần điều trị bằng ngải cứu của cụ. Đó là những vết sẹo cứu sống người. Tôi nhớ lại năm 1982, cùng đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị đi công tác ở Cam-pu-chia, có đồng chí cán bộ ở Mặt trận 479 hỏi tôi là: Đồng chí có sẹo không?. Hiểu được ý của người “lính trận” đáng yêu này, tôi bình thản đáp lại: Nguyên tắc chiến đấu của quân đội ta là “Tiêu diệt địch, bảo vệ mình”, nếu cứ thương vong thì mới tự hào chăng? và nói luôn rằng: Tôi đã tham gia đánh máy bay Mỹ từ năm 1965 cho đến kết thúc chiến tranh, nhưng không bị cái sẹo nào! Đám đông vỗ tay, cười vang và đề nghị tôi tiếp tục câu chuyện. Cho đến giờ tôi ngẫm lại, tôi đã có mặt cả gần trăm trận đánh của đơn vị – Tiểu đoàn tên lửa (D61) anh hùng (thuộc trung đoàn 236, sư đoàn phòng không Hà Nội), chúng tôi đã bắn hạ 63 máy bay các loại của địch, đồng đội thương vong mà nhiều hơn lại là bộ phận của tôi. Năm 1972, chúng tôi còn ở Mặt trận Quảng Trị, mà khi trở ra Bắc vẫn nguyên lành. Tôi cho rằng có sự phù hộ của tổ tiên. Đồng thời cũng biết ơn ông nội vì đã nhiều lần chữa trị để tôi trưởng thành, đủ sức cầm súng đánh giặc. Những vết sẹo trên người đều là những kỷ niệm sâu sắc của tôi về ông nội. Nội tôi rất khéo tay, tự sao ướp chè để thưởng thức, làm tương ngon, chưng cất rượu tốt theo khẩu vị, biết đan lát các đồ dùng như thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, hay đơm, đụt, đó, nắn,… rất bền đẹp. Nội biết cả bói Kiều nữa! Tôi còn nhớ giọng ngâm của nội:

Trăm năm trăm cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu…

Thật tài tình. Đúng vậy. Trải qua dâu bể, sóng gió cuộc đời mới thấu hiểu cuộc sống, con người. Tôi đã trải qua chiến đấu với niềm tự hào, hoàn thành các công tác được giao rồi về hưu với sự tự trọng. Khi khoác ba lô rời đơn vị để đi học (năm 1974), tôi đã cảm tác:

Cầm súng mười năm đã bện rồi

Giữ trời Tổ quốc mãi xanh tươi

Dẫu chẳng vang tiếng trên trần thế

Cũng thỏa chí trai đã một thời

Bây giờ đã sang chặng đường cuối đời, tôi đã chuẩn bị để về với ông bà, “núp sau nải chuối, ngắm gà khỏa thân” nhưng rất thanh thản, tự tin.

Phương Tây phía lặn mặt trời

Có miền cực lạc là nơi ta về

Nơi đâu sống được là quê

Chết vào trong đất lại về Tây Phương

Suy ngẫm, càng học càng thấy dốt, biết nhiều càng thấy đau.

Ruột gan như xót như cào

Đắng cay như thể lặn vào mãi trong

Bề ngoài trông tựa như không

Miệng cười cho khỏa lấp mông mênh buồn.

Cho nên rất hiểu sự tín nghĩa, lòng tự trọng đến khí khái của ông nội, tôi càng cảm phục sự nhẫn nhịn của cụ. Ấn tượng tuyệt vời hơn cả vẫn là nghề thuốc của nội mà rất tiếc trong nhà không có người nối tiếp.

Ông tôi là một nông dân

Học làm nghề thuốc cứu nhân độ đời

Thuốc Nam ta thật tuyệt vời

Qua tay nội giúp bao người làng quê

Gia đình không còn ở Đan Thượng nhưng tôi còn họ hàng, bà con ở đó. Những người họ Hà, rồi cô cậu, chú bác, anh chị em,…. Đó là gia đình cụ Trưởng tộc đại tôn Hà Duy Hàn, gia đình chi tộc Hà Thiện Chủng (cụ mới mất tháng 4/2015), vân vân và vân vân, không kể ra hết được. Tôi là người con của quê hương, một người họ Hà, dòng Hà Viết theo cụ Khởi tổ Hà Viết Nghĩa, tính từ năm 1746 cách đây gần 03 thế kỷ. Ở Đan Thượng còn có dòng họ Hà khác thuộc bên bà nội tôi là Hà Thị Huyên (đời thứ 4) theo gia phả ghi năm 1914 nói là từ Thọ Lão (Sơn Tây) chuyển lên, có cụ Khởi tổ là Hà Đình Cẩm, nên gọi là dòng Hà Đình để tiện xưng danh và liên lạc. Bên ngoại tôi là họ Phan từ Cổ Đô (Sơn Tây) đi lên. Còn người họ Ma, hay Mai, Mè, tôi cho rằng đã ở Đan Thượng từ lâu. Người họ Ngô, họ Đặng, họ Phạm, họ Đàm, họ Nguyễn,…Khoảng từ 70 năm về trước các dòng họ trên đều đã có mối quan hệ chặt chẽ, thông gia với nhau, đều có bà con anh em với gia đình tôi. “Phi nội tắc ngoại” là vậy. Trước đây còn có cả người họ Hồ, họ Khổng, sau này không thấy nói tới. Nhiều người là bạn học, nay có người đã mất, đã hy sinh, đã sống ở nơi khác, nhưng vẫn còn một số, đều đã vào tuổi xưa nay hiếm ở làng. Cho nên:

Gặp lại bà con quê nhà

Phi nội tắc ngoại đều là anh em

Dẫu không còn ở làng Đan

Tình quê đâu kể hèn sang giàu nghèo

Chùa Chén, di tích lịch sử độc đáo với những bí ẩn tâm linh chưa được khám phá

Không còn ở Đan Thượng, nhưng tình cảm của tôi còn rất sâu đậm. Đặc biệt là còn ngôi mộ của ông nội tôi đang ở lại với những người thân đã quá cố, trên mảnh đất mà tôi cũng đã từng trồng sắn, trồng đậu, trồng vừng trước cổng chùa Chén. Nơi ấy khi xưa còn có ruộng làm mạ, chúng tôi còn chơi Khăng, đánh trận giả, phụ đồng: đánh bẫy chim, đốt ong, bắt ve sầu, gõ trứng kiến,… Rất nhiều thú vui tuổi học trò. Quê hương là nơi “chôn rau cắt rốn” mà tôi đã từng sinh sống trước đây.

“Nơi ta ở chỉ là nơi ta ở. Nơi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” là vậy.

Trẻ muốn đi xa. Già ước trở về như được “sửa sai”, như cần bù đắp, như nguyện lấp đầy chỗ trống tâm linh. Trẻ vì em nhỏ, lớn, vì vợ dại con thơ. Đến tuổi xế chiều lại vì cha già, mẹ héo đợi chờ…

Con về thăm mẹ chiều nay

Mẹ già như chuối chin cây đợi chờ

Một mình bên cạnh nhà xưa

Một mình sớm tối chiều trưa một mình

Quê hương đối với mỗi người, mỗi hoàn cảnh với sự ràng buộc quan hệ khác nhau, nhưng có điểm chung là chốn đi về. Vui về, buồn về và cả khi không vui, không buồn cũng về. Chỉ vì nhớ.

Quê hương là vậy.

“Quê hương là chùm khế ngọt”

“Quê hương nếu ta không nhớ, thì không lớn nổi thành người”

Quê hương là nơi có tổ ấm, tổ tiên; rất cụ thể mà thiêng liêng, vô hình mà ràng buộc níu kéo. Tình yêu quê hương, yêu gia đình, làm nên tình yêu Tổ quốc. Đan Thượng là một phần của Tổ quốc mà tôi đã từng yêu thương để rồi mãi mãi yêu thương, là nơi tôi từng gắn bó, tự hào để rồi mãi mãi gắn bó và tự hào.

Thấy bông hoa gạo đẹp tươi

Nhớ màu Đan Thượng, nhớ người quê ta

Ai về Đan Thượng, Hạ Hòa

Bao người con ở phương xa nhớ thầm.

Đan Thượng có nhiều Di tích lịch sử, cái còn cái mấtnhưng đều đã đi vào ký ức của mọi người. Mỗi một di tích là một số phận với những điều đã biết và những điều bí ẩn chưa được khám phá. Hướng về cội nguồn, về với quê hương không thể không nói tới các Di tích lịch sử văn hóa để mà cảm nhận, để mà bày tỏ sự tri ân sâu sắc, đồng thời suy ngẫm cuộc sống này còn bao điều ý nghĩa thiêng liêng./.

Về miền ký ức

(Ảnh năm 2003)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *