My Blog

My WordPress Blog

ĐỀN THƯỢNG
Đền Thượng còn gọi là Đền Nghè năm trên sát đỉnh gò cao nhất của xã Đan Thượng, nơi phân chia địa giới với Đan Hà, án ngữ trên trục đường ngang từ đê sông Thao đi vào miền trong Đại Phạm.

Đền Thượng, thờ Cao Sơn nguyên soái Đại vương (ảnh dưới). Ngài cùng Quí Minh xuất hiện thời Vua Hùng, nước Văn Lang thuộc Lạc Việt. Khi Thục Phán là con Thục Chế (người có họ hàng với nhà Hùng), thủ lĩnh mạnh của bộ Âu Việt, tranh ngôi vị của Hùng Duệ Vương, anh em Cao Sơn, Quí Minh dưới sự chỉ huy của Tản viên Sơn thánh (con rể vua), đã chống trả quyết liệt. Chiến tranh diễn ra gay gắt nhiều năm. Cuối cùng để tránh đổ máu cho dân lành, theo lời khuyên của Tản Viên(?). Vua Hùng thứ 18 đã chuyển giao ngôi báu cho Thục Phán. Lên ngôi, Thục Phán đổi niên hiệu là An Dương Vương, lập nước Âu – Lạc, dời đô về Cổ Loa. Truyền thuyết đã từng nói vậy. Các nhân vật trên như Cao Sơn Đại vương là biểu tượng của tinh thần Việt Nam, anh hùng văn hóa Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc

Gạt bỏ “lớp bụi” thời gian, sự hoang đường của truyền thuyết có cả hư cấu, qua các bằng chứng khảo cổ, tư liệu lịch sử… người ta đã nhận ra bản chất của vấn đề: Nhà nước Văn Lang là thật, con người của đất nước đó, dân tộc đó là thật, đã tồn tại cho đến hôm nay, trải qua mấy ngàn năm thăng trầm, biến đổi.

Các cụ làng ta xưa chọn thờ Cao Sơn Đại vương phải có cái lý của nó, trước hết là người có công với dân, với nước. Đây cũng là sự khẳng định chủ quyền dân tộc, đất đai, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, khẳng định dân và đất Đan Thượng thuộc đất Tổ vua Hùng xưa. Người ta chia ra nhân thần, thiên thần. Xét theo công trạng, phân hạng ra Hạ đẳng thần, Trung đẳng thần và Thượng đẳng thần. Các sắc phong của Triều đình ghi nhận Cao Sơn Đại vương ở bậc cao nhất là Thượng đẳng thần. Rất nhiều nơi thờ ngài.

Đó là các sắc phong vào thời Tự Đức năm thứ 6 (1864), Tự Đức năm thứ 33 (1876), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924). Rất tiếc là các sắc phong này đều bị thất lạc, chỉ còn nội dung do các cụ làng ta còn ghi lại năm 1938. Xin trích sắc phong của Vua Tự Đức năm 1864, ngày 11 tháng Giêng:

Nội dung là:

Sắc Cao Sơn tôn thần nguyên tặng linh phù chính Đôn uy Đôn tĩnh hùng tuấn Thượng đặng thần hộ quốc tý dân lẫm trước linh ứng tú kim bản ứng, cảnh mạnh diễn liệm thân hưu khả gia tặng hiệp linh phù chính Đôn uy Đôn tĩnh hùng tuấn trác vỹ Thượng đẳng thần, nhưng chuẩn Hạ Hòa huyện Đan Thượng, Đan Hạ nhị xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Tự Đức lục niên chính nguyệt thập nhất.

Sắc phong là văn bản cao nhất mà Nhà nước trước đây đã công nhận và phong tặng cho vị thần – thành hoàng, thể hiện quyền lực của Trung ương đối với cơ sở. Đây là văn bản quí, rất quan trọng, không phải di tích nào cũng có, không phải ở đâu cũng còn lưu lại được đến nay. Có nơi đình đền bị hủy hoại nhưng còn nguyên Sắc phong. Từ đây người ta có căn cứ đề nghị xây dựng lại di tích cũ.Để làm một phiên bản Sắc phong hay phục chế lại chi phí không nhỏ. Có bản gốc hoặc có nội dung là thực hiện rất nhanh chóng. Nhiều nơi còn tổ chức đón nhận lại Sắc phong này rất trang trọng.

Đền Thượng trước làm bằng gỗ chắc, dựng 5 gian dọc, lợp lá cọ. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1833) được lợp ngói, lát gạch, làm sân, cổng, khang trang. Đền không làm cửa, không tường bao, chỉ có tường rào, có hai lối thông ra hai bên hông khá độc đáo. Cửa đền có bốn chữ to “Thượng đẳng linh từ”. Có bốn câu đối bằng chữ Hán, trong đó có hai câu là:

Rồng bay phượng múa lừng Nam, Bắc

Hổ phục Nghê chầu nức Tây, Đông

Nội dung câu đối mô tả các bức phù điêu được những bàn tay thợ khéo tạo nên. Từ các bức phù điêu sinh động, bay bổng ý tứ sâu xa mà cụ Hà Văn Chưng đã sáng tác nên bài thơ họa hoàn chỉnh, làm rõ vẻ toàn bích của các bức phù điêu cửa đền như sau:

Tiền đài xây dựng đã nên công

Khen thay nét vẽ của hai ông (?)

Rồng bay phượng múa lừng Nam Bắc

Hổ phục Nghê chầu nức Tây Đông

Nghiêu, Thuấn cày ruộng rồi tức vị

Lã Ông câu cá mãi bên sông

Phong cảnh hai làng đều khác lạ

Một phía dơi dơi một phía rồng.

Phong cảnh như thật như mơ, thái bình và an lạc, hạnh phúc. Đó cũng là khát vọng ngàn đời của cha ông chúng ta cũng như chính chúng ta hôm nay.

Cao Sơn Đại vương được thờbằng ngai gỗ, giữa đặt long bào có rồng chầu, mũ, áo, hia bằng vải màu thiên thanh.

Trên hương án có đặt hai bát hương (một bát hương bị thất lạc, nay đã trở về).

Lễ hội chính diễn ra ngày 7 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất được chi phí cao nhất là 40 đồng theo quy ước năm 1942 (trong đó lợn 30đồng, xôi 6đồng, hương đèn, …4 đồng)

Cả hai làng Đan Thượng, Đan Hạ phối hợp tổ chức luân phiên nhau làm chủ tế và đọc tế văn, phân công 4 giáp thực hiện chu đáo.

Lễ hội có cuộc thi cắt tiết lợn đen tuyền, thi mở khóa trên khám thờ. Đám rước kiệu và sắc phong diễn ra long trọng có cả ca, múa, nhạc tưng bừng. Sau khi làm lễ ở Đền, cả hai làng tiếp tục làm lễ ở đình làng mình sôi nổi. Làng Đan thượng còn có Hội Vật diễn ra vào ngày 9 tháng Hai (mức chi phí theo quy ước là 30đồng). Để đảm bảo sự tôn nghiêm trước thần linh, ai phạm lỗi theo quy định phải nộp phạt một buồng cau để tạ thần linh rồi biếu dân làng. Lỗi nặng có thể bị đánh 10 roi theo tục lệ lập năm Tự Đức thứ 17(1864). Hình phạt này sau có thay đổi và quy ra bằng tiền từ 0,2 đồng đến 0,5 đồng tùy theo nặng nhẹ. (hương ước năm 1942)

Ở đền Thượng còn thờ Phất Lang Thất vị Đại Thần (bên tả) và Cầm Cường Đại Thần (bên hữu). Phất Lang Thất vị đã có miếu thờ ở gò Thất Vị chếch trước cửa ga Đoan Thượng. Miếu đã bị hủy hoại từ lâu, nay chỉ còn các phiến đá kê cột nằm rải rác trong vườn nhà ông Đinh Văn Vượng. Ở xã Y Sơn có Đình Thất vị có tới 17 sắc phong, có liên quan gì không, cần tìm hiểu!

Cầm Cường Đại Thần được thờ ở Đền Hạ, phía bờ sông Thao, góc chợ. Đền Hạ cũng không còn, chỉ có cây Đa đẹp nên thơ với ngôi miếu nhỏ vẫn được người dân sở tại hương khói theo tuần tiết.

Cây đa ở khu vực Đền Hạ

Không ai rõ sự tích các vị Thần này và cũng không biết bài vị các Thần được đưa lên phối thờ ở Đền Thượng từ khi nào. Chỉ biết là Cao Sơn Đại Vương ngoài việc thờ ở Đền Thượng còn được thờ ở Đền Hạ, ở cả hai đình của Đan Thượng và Đan Hà. Các cụ trước đây cũng không ghi chép rõ việc rước kiệu và các Sắc phong giữa Đền và hai đình làng theo hành trình ra sao?

Ở đền Thượng vẫn còn cái giếng Nghè được một số người hảo tâm công đức xây cất lại. Rất đáng hoan nghênh.Tuy đơn xơ như cổ tích nhưng giếng Nghè là phần không thể tách rời với đền như biểu tượng của “uống nước nhớ nguồn”. Cây Đa xum xuê cách đền khoảng 50m cũng vậy, đến nay vẫn tỏa bóng mát như dấu ấn của tổ tiên, nhân chứng lịch sử của Đan Thượng rất ấn tượng. Có lẽ tuổi cây Đa cũng tương đương với tuổi của Đền.

Năm 2005, Cục Văn Hóa Thông Tin Cơ Sở phát hành cuốn sách “Những di tích thờ Vua Hùng ở Việt Nam” bao gồm cả những nhân vật, thánh – thần được thờ có liên quan thời Vua Hùng, trong đó có đền Nghè Đan Thượng. Có điều là cả tên xã, và tên Thần ghi cũng không chính xác (trang 169). Theo thống kê cả nước đã thấy có hơn 1400 nơi thờ, mà đền Nghè là nơi xa nhất về phía Bắc so với đền Hùng ở Hy Cương (Phú Thọ) trong danh sách. Đây cũng nói lên là Đền Nghè Đan Thượng là một điều quý hiếm.

Do có Nghè nên gò đất này gọi là gò Nghè. Dân hai làng đến nay vẫn gọi như vậy với tâm thức linh thiêng. Trước đây, gò rậm, nứa mọc um tùm, nhiều cây cổ thụ như Lụ, Đa ôm ấp, nay chỉ còn lại cây Đa to, tỏa bóng xum xuê làm nên vẻ đẹp cổ kính của Đan Thượng. Phía xã Đan Hà có xóm Dậm, ngay chân gò, nay là Khu 1 của xã. Phía Đan Thượng là một bộ phận của dân cư Khu 3.

Vào khoảng những năm 1955 đến năm 1959, Đền Thượng được sử dụng làm lớp học của trường cấp 2 Đức – Sơn, cho cả khu vực thượng huyện Hạ Hòa. Tôi học lớp 5A ở gian trong. Một số lớp khác ở quanh gốc Đa bây giờ. Khi học lớp 2, tôi học ở đình Đan Hà, đều phải đi qua đền Nghè mỗi ngày. Lớp 3 học ở đình Đan Thượng, lớp 4 học ở khu Lò Nồi dưới Chợ, gần Đền Hạ. Suốt thời kỳ ấu thơ kể cả khi đi về giữa Đan Thượng – Văn Lãng (nơi làm trại của gia đình từ trước năm 1940) và đi học tôi đều gắn bó cả 02 ngôi đình và đền này. Đình, Đền từ thuở nhỏ đối với tôi nhiều kỷ niệm đẹp, khó quên…

Tôi còn nhớ như in hình ảnh khi tản cư, chạy giặc, vào Văn Lãng (Yên Bái). Ông nội cõng trên lưng, khi phải dừng chân ở cây Lụ to, muốn ngắm nhìn vẻ đẹp và trang nghiêm của đền Thượng thì nội đã giục lên đường bởi“Thằng Tây đang đuổi ở phía sau”. Ngoái nhìn lại phía con dốc qua dãy lò gốm bám theo sườn gò, qua cái giếng đất, nước tràn bờ quanh năm là cánh đồng xanh, ngoài xa là con sông Thao đỏ nặng phù sa. Bến đò ông Ba Kẹo có tiếng gọi nhau í ới. Triền đê hoa màu tươi tốt từ phía Đình làng, chạy lên xóm Soi phút chốc đã chìm lại sau lưng.

Gò Nghè đối với tôi là gò thiêng. Bởi ở đó còn có ba ngôi mộ các cụ tổ họ Hà. Đó là cụ Hà Viết Tể (con trai cả của cụ khởi tổ Hà Viết Nghĩa, và là người sinh ra Hà Viết Đạo), sau khi cụ mất đã được con cháu chôn cất ở đây. Các cháu của cụ Nghĩa (thuộc đời thứ 3) là Hà Đồng Ban, Hà Kim Loan sau khi mất cũng được an táng tại gò Nghè. Không phải ngẫu nhiên mà sau này còn có cụ Hà Văn Khuê (đời thứ 8) thường gọi là cụ Từ Khang làm thủ nhang ở đền Nghè. Cụ Loan là người được tham gia viết Địa Bạ của làng trong “Địa bạ Gia Long thứ 4” (1805) tài liệu sao chép lại vào ngày 24 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 12 (tức 1831). Trong Địa bạ này có ghi con đường đê từ Lệnh Khanh đến Trà Hạ qua Đan Thượng là 664 trượng (đơn vị đo chiều dài lúc đó khoảng 4m/trượng). Đoạn đường ngang từ Đan Thượng vào Đan Hà là 152 trượng 3 thước. Cuối đoạn đường này phải qua cầu Sậu có 3 nhịp, theo quy ước của 2 làng lúc đó mỗi bên chịu trách nhiệm quản lý bảo dưỡng một nửa cầu. Đường này về sau đã được đắp đất cao, cầu Sậu cũng biến mất từ lâu. Đỉnh dốc cao trước cổng đền, gần đây cũng đã được hạ thấp xuống gần 10m. Cảnh quan trước đền đã thay đổi nhiều. Gò Nghè hình dáng con Voi. Đầu voi nay cũng không còn, mình voi đã biến dạng. Cần phải ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất đai cũng như xâm hại cảnh quan và xuống cấp của di tích.

Có câu hỏi đặt ra là đền Nghè có từ bao giờ? Không có tư liệu nào nói cả. Chỉ biết rằng đến năm 1833 thời Minh Mạng mới lợp ngói như hiện nay thì đền phải được xây dựng từ trước đó, sớm lắm là từ thời Hậu Lê, muộn hơn là thời Tây Sơn. Ban đầu chỉ là tre, nứa, lá khi có đầy đủ nhân lực, tài lực, vật lực mới làm gỗ chắc như hiện nay. Đan Thượng đến nay mới có trên 600 hộ dân, vẫn còn gần trăm hộ nghèo. Hàng trăm năm trước, số dân và số khẩu chắc chắn ít hơn và nghèo khó. Có số liệu cho biết đến tháng 8/1945 Đan Thượng có 196 hộ, 912 khẩu mà trước đó đã làm được cả Đình, Đền, Chùa, Miếu.Cực kỳ giỏi! Ngoài sự đóng góp của toàn dân, có sự đóng góp của các “Mạnh thường quân”, của người mua Hậu (để được gọi là Hậu Thần, Hậu Phật), … Nghiên cứu cách làm của tiền bối có thể sẽ giúp cho chúng ta tháo gỡ khó khăn của hôm nay.

Trải qua phong trần, biến động dữ dội may mắn đền Thượng vẫn còn! Cây đa, giếng nước vẫn còn ở lại với con cháu. Đền Thượng đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa (cấp tỉnh) theo Quyết định số 2135 ngày 6-10-1998 của UBND tỉnh Phú Thọ. Cần phải có qui hoạch, kế hoạch, biện pháp gìn giữ, khai thác và phát huy di sản quí giá này. Vành đai và không gian di tích khu vực quản lý, phân cấp cũng như tổ chức nhân sự để quản lý di tích cần phù hợp, với sự phối hợp tích cực của Đan Hà. Cần phục dựng lại các yếu tố văn hóa tích cực trong lễ hội, đảm bảo tính thiêng (nghiêm túc) vừa đảm bảo tính văn hóa đặc sắc, loại trừ yếu tố mê tín dị đoan hoặc du nhập không hợp lý trong các hoạt động ở đền Thượng. Cần đo đạc, tính toán chi tiết về kiến trúc đền để phục vụ cho việc lập phương án trùng tu và có cơ sở cho việc đánh giá thực trạng và huy động nguồn lực thực hiện.Môi trường cảnh quan, cây xanh cũng được quan tâm để không bị lãng phí đất đai và không gian, đảm bảo hấp dẫn người tâm linh và thu hút khách thập phương. Vận dụng phương châm “lấy di tích nuôi di tích” tiến hành xã hội hóa các hoạt động theo tinh thần Nhà nước quản lý, dân làm chủ có thể tạo chuyển biến mới ở Đền Thượng.

Đền Thượng là công trình phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của dân để thờ phụng, tri ân, cũng là nơi hướng đến cái tốt, cái đẹp, cái thiện, góp phần xây dựng con người mới. Xa xưa có thể chỉ thờ thần rừng, thần núi, thờ “Ông ba mươi” (Hổ) mà tượng Hổ cùng nghi thức cúng lễ vẫn tồn tại đến nay. Đền Thượng trở thành thiết chế tín ngưỡng dân gian trong hệ thống thờ Tổ Hùng Vương độc đáo của Việt Nam. Giỗ tổ Hùng vương Đền Hùng mới đây đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm tự hào, cần quảng bá và nghiên cứu để phát huy.

Đền Thượng là sản phẩm văn hóa, là công sức chung quí hiếm của hai làng Đan trước đây, may mắn gìn giữ được đến nay, nhưng đang xuống cấp nhiều.Hơn lúc nào hết cần chung tay bảo vệ, đổi mới cách quản lý và nâng cấp toàn diện.Cần tôn vinh hơn nữa xứng tầm với di sản đã thành danh, xứng đáng với tiềm năng, truyền thống văn hóa, cách mạng của nhân dân hai làng Đan Thượng và Đan Hạ vốn đoàn kết, xây dựng gắn bó keo sơn cùng khát vọng phát triển trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng nông thôn mới hiện nay./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *