My Blog

My WordPress Blog

Ngày 1/12, lễ truy điệu và di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hà Huy Tập đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM.

Đúng 9g sáng, lễ viếng bắt đầu. Hàng ngàn người dân, các tổ chức đoàn thể và lãnh đạo trung ương, địa phương đã đến viếng và tiễn đưa di hài đồng chí về an táng tại quê hương (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). 
Tham dự lễ truy điệu có ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM; ông  Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh…
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trương Tấn Sang bày tỏ: “Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi, nhưng những sự đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta là rất quan trọng và to lớn”.
Kết thúc điếu văn, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: “Tinh thần và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sống mãi cùng với Đảng, Tổ quốc và nhân dân ta!”.
Đến 13 giờ cùng ngày, các vị lãnh đạo và khách viếng kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ra xe di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Tĩnh. Dự kiến đến ngày 2/12, tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức trọng thể lễ an táng hài cốt đồng chí Hà Huy Tập.
Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa; nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Đến cuối tháng 12/1928, ông đi Trung Quốc để bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1936, ông được phân công về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục tổ chức của Đảng. Đến thời điểm này, ông đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng.
Từ tháng 5/1938 đến tháng 3/1940, ông bị thực dân Pháp bắt 2 lần và bị kết án tử hình. Ngày 28/8/1941, ông bị địch xử bắn tại ngã tư Giếng Nước ở Hóc Môn, Gia Định (nay là TPHCM).
Sau nhiều năm binh lửa, nơi chôn cất di hài đồng chí Hà Huy Tập hầu như mất hẳn dấu vết. Mãi đến năm 2001, một số thành viên dòng họ Hà như ông Hà Văn Sỹ,  Hà Huy Lợi, Hà Vĩnh Tân, Hà Huy Thanh… đã bắt đầu tìm kiếm di cốt của cố Tổng Bí thư.
8 năm vất vả tra tìm tư liệu lịch sử, nhân chứng sống am hiểu tại địa phương, mãi đến năm 2009, nhóm tìm kiếm mới xác định được vị trí chính xác chôn cất thi hài cố Tổng Bí thư là tại Bến Tắm Ngựa (thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM).
3g sáng ngày 22/11/2009, đoàn tìm kiếm bắt đầu khai quật vị trí xác định chôn cất thi hài cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Mãi đến 1g30’ ngày 23/11/2009, ngày kỷ niệm 69 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2009) thì kết thúc việc khai quật, hoàn tất công việc tìm kiếm di cốt đồng chí Hà Huy Tập.
 
Một số hình ảnh trong buổi Lễ truy điệu và di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập về quê, sáng 1/12 tại TPHCM:

 









Các vị lãnh đạo và khách viếng nghiêng mình tiễn đưa hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ra xe di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Tĩnh.
Tùng Nguyên

2 thoughts on “Lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại TPHCM

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *